Nhiều người nhầm lẫn giữa “thận” trong Y học cổ truyền và “thận” trong giải phẫu của Y học hiện đại, làm áp dụng sai các phương pháp điều trị khác nhau. Để có thể hiểu rõ thêm về vấn đề này, xin hãy cùng theo dõi bài viết sau đây
Mục lục
Tạng thận là gì?
Các cơ quan trong cơ thể theo Đông Y có 5 tạng: Tâm, can, tì, phế, thận (Có sách ghi 6 tạng, kể thêm mệnh môn). Trong đó, tạng thận thuộc thuỷ, nhận lấy âm tinh của lục phủ ngũ tạng, là gốc của các tạng. Thận bao gồm thận âm và thận dương, thận âm là thận tinh thuộc thủy, thận dương là thận khí thuộc hỏa. Do đó thận chủ về tàng tinh, chủ cốt tuỷ, chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể, chủ nạp khí, chủ thuỷ, khai khiếu ra tai, tiền âm, hậu âm và vinh nhuận ra tóc.
Vai trò của tạng thận
Vai trò của tạng thận vô cùng quan trọng , không thể thiếu trong cơ thể người. Theo thần y hải thượng lãn ông :“thận là cội nguồn của tạng phủ, là gốc rễ của 12 kinh mạch, là cơ sở của sinh mệnh, là bể chứa tinh huyết”. Cụ thể như sau:
Thận chủ tàng tinh
Tinh ở đây được hiểu theo nghĩa là vật chất cơ bản của hoạt động sống, bao gồm hai loại: tinh sinh dục để duy trì nòi giống hay còn gọi là tinh tiên nhiên và tinh trong đồ ăn thức uống hay còn gọi là tinh hậu thiên.
Tinh của tiên thiên và tinh của hậu thiên đều được tàng trữ ở thận gọi là thận tinh. Thận tinh còn gọi là thận âm, nguyên âm, chân âm. Tinh biến thành khí nên còn có thận khí. thận khí còn gọi là thận dương , nguyên dương chân dương, mệnh môn hỏa.
Y học cổ truyền đánh giá rất cao vai trò của thận khí, coi đây là nhân tố quyết định sự sinh trưởng phát dục cho đến sự sinh nòi đẻ giống sau này của cơ thể. Thận khí thịnh và đầy đủ thì răng bền, tóc tốt, gân xương cứng mạch, kinh nguyệt đầy đủ, tinh khi dồi dào …Thận khí suy kiệt thì răng rụng, tóc khô, thân thế hao mòn,kinh nguyệt không còn, tinh khí cạn kiệt…
Thận chủ khí hóa nước
Chức năng khí hoá nước của thận khí tức là đem nước từ đồ ăn uống đưa tới cho tổ chức cơ thể và bài tiết nước ra ngoài.
Sự chuyển hoá nước trong cơ thể do 3 tạng phụ trách: tỳ vận hoá hấp thu đưa lên phế, phế túc giáng xuống thận, ở thận được khí hoá những chất trong (chất có ích) được lên phế phân bố đi toàn thân, những chất đục (chất thải độc hại) được đưa xuống bàng quang thải ra ngoài.
Nếu có sự rối loạn chuyển hóa nước sẽ dẫn đến phù thủng. Vì vậy trong quá trình điều trị bệnh phù thũng người ta thường tập trung vào 3 tạng chính là tỳ, phế hay thận.
Thận chủ nạp khí
Không khí do phế hít vào được giữ lại ở thận gọi là sự nạp khí của thận. Nếu thận hư không nạp khí từ phế làm phế khí nghịch lên gây chứng ho hen, khó thở.
Do đó khi chữa chứng hen suyễn, chứng ho ở người già, người ta có thể dùng phương pháp bổ thận nạp khí.
Thận chủ xương tủy, thông với não
Tinh được tàng trữ ở thận,tinh sinh tuỷ, tuỷ vào trong xương, nuôi dưỡng xương, nên gọi là thận chủ cốt sinh tuỷ. Nếu thận hư, làm sự phát dục của cơ thể giảm sút gây hiện tượng chậm mọc răng, chậm biết đi, xương mềm yếu…
Tuỷ ở cột sống lên não, thận sinh tuỷ, nên gọi là thận thông với não, không ngừng bổ sung tinh tuỷ cho não. Thận hư (thường do thiên nhiên) làm não không phát triển sinh các chứng: trí tuệ chậm phát triển,tinh thần đần độn, kém sự thông minh…
Thận tàng tinh, tinh sinh ra tuỷ. Tuỷ chứa trong các khoảng rỗng của xương, có tác dụng nuôi dưỡng xương. Xương cốt vững chãi, tuỷ dồi dào, răng chắc (theo YHCT răng là phần thừa của cốt) chứng tỏ Thận khí đầy đủ.
Vai trò của thận đối với tai và tóc
Thận tinh có vai trò nuôi dưỡng tai, thận hư dẫn đến tai ù, tai điếc. Ở người già thận khí, thận tinh suy yếu nên hay gặp chứng ù tai, điếc tai.
Một chức năng quan trọng nữa của tạng thận là vinh nhuận ra tóc. Tóc là phần thừa ra của huyết, được huyết nuôi dưỡng, mà huyết sinh ra từ tinh, tinh lại được tàng trữ ở thận vì vậy thận là căn nguyên sinh ra tóc. Sự thịnh suy của thận có quan hệ mật thiết với tóc như bẩm sinh thận khí bất túc thì tóc mọc thưa thớt, thanh niên khoẻ mạnh thì tóc tốt nhuận, người già thận khí yếu thì tóc bạc, rụng tóc…
Thận chủ tiền âm và hậu âm
Tiền âm là nơi bài tiết nước tiểu, bộ phận sinh dục nam hay nữ, thận chủ về khí hoá bài tiết nước tiểu và sự sinh dục vì vậy gọi là thận chủ về hậu âm. Thận hư hay gặp chứng đi tiểu đêm, tiểu nhiều ở người già, chứng đái dầm ở trẻ em chứng di tinh, ra khí hư…
Hậu âm là nơi đại tiện ra phân, do tạng tỳ đảm nhiệm. Nhưng tỳ dương được thận khí hoá để bài tiết phân ra ngoài nên còn gọi là thận chủ về hậu âm. Nếu thận khí hư hay gặp chứng đại tiện lỏng, đại tiện ở người già.
Thận biểu lý bàng quang, tương sinh can phế, tương khắc tâm tỳ
Quan hệ giữa Thận với Bàng quang: Thận làm ra nước tiểu và Bàng quang bài tiết nước tiểu.
Phế Thận tương sinh:Phế chủ Khí , Thận nạp Khí.
Can Thận tương sinh:Thận tàng Tinh , chủ Tủy, là cơ sở để sinh ra Huyết (Can tàng Huyết).
Tỳ Thận tương khắc:Tỳ khí hóa thủy dịch, Thận tàng trữ thủy dịch.
Tâm Thận tương khắc :Tâm chủ Huyết, Thận tàng Tinh. Huyết và Tinh đều là tinh hoa của thủy cốc, do đó có mối quan hệ tương tranh.
Như vậy, có thể thấy tạng thận là 1 tạng cực kỳ quan trọng, giữ nhiều chức năng trong cơ thể, và có sự khác biệt giữa “tạng thận” trong YHCT và “thận” trong giải phẫu Y học phương Tây.
Hi vọng qua bài viết này, có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về Tạng thận và vai trò của tạng thận trong cơ thể